Ngày lễ Tình nhân Valentine là một dịp để các cặp đôi vun đắp tình cảm, là thời điểm để các nam thanh nữ tú cô đơn có thể mở lời và đến được với nhau.
Có điều sự thực thì không phải ai cũng thích Valentine, điển hình như nhóm các nam thanh niên “ế” lâu năm tại Nhật Bản. Họ thậm chí còn tổ chức tuần hành phản đối mỗi dịp Valentine, dưới danh nghĩa là nhóm Kakumei-teki himote doumei, có nghĩa “Liên minh cách mạng những người đàn ông ít hấp dẫn đối với phụ nữ”.
Nhóm thanh niên xuống phố Shibuya phản đối ngày Valentine (ảnh: Reuters)
Nhưng hóa ra không chỉ các nam thanh niên, mà phụ nữ Nhật cũng cảm thấy áp lực vì ngày lễ này, bất kể đã có người thương hay chưa. Lý do nằm ở một truyền thống mang tên “giri choco” (hoặc giri choko) – hay còn gọi là chocolate nghĩa vụ.
Chocolate nghĩa vụ – áp lực cho phụ nữ Nhật
Dành cho những ai chưa biết thì giri choco một truyền thống tại Nhật Bản, trong đó phụ nữ phải mua chocolate để tặng cho (nhiều) nam đồng nghiệp ở công ty. Trái ngược với giri choco là honmei choco – loại chocolate phụ nữ chỉ dành cho người mình thương thực sự.
Giri choco – chocolate nghĩa vụ do đồng nghiệp tặng nhau trong lễ Valentine
Chocolate trong giri choco thường là các loại không mấy đắt tiền, và không mang ý nghĩa gửi gắm tình cảm với người được tặng. Tương tự đến ngày 14/3 – hay Valentine Trắng, nam giới cũng phải mua chocolate để tặng lại cho đồng nghiệp nữ.
Tuy nhiên thời gian gần đây, giri choco đang bị các chị em Nhật Bản phản đối ra mặt. Vấn đề là ở chỗ chocolate nghĩa vụ cũng không thể quá rẻ tiền, vì người được tặng sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Bởi vậy mà với nhiều người, áp lực từ việc chi cả chục ngàn yen chỉ để mua chocolate nghĩa vụ đang dần trở nên quá mức chịu đựng.
Từ một truyền thống, giri choco trở thành điều bắt buộc và khiến nhiều người cảm thấy áp lực (Ảnh: Rappler)
Một số công ty còn ra lệnh cấm truyền thống này và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ công nhân viên, vì nhiều người cảm thấy đây giống như hành động quấy rối và áp bức vậy.
Theo thống kê tại một trung tâm mua sắm của Nhật, có khoảng 60% phụ nữ cho biết họ sẽ tự mua chocolate cho bản thân thay vì tặng đồng nghiệp. 56% cho biết họ sẽ tặng chocolate cho người thân trong gia đình, và 36% sẽ tặng cho chồng, người yêu, hoặc người mình đang thầm thương trộm nhớ.
Chỉ có 35% cho biết họ sẽ tặng chocolate cho các đồng nghiệp mà thôi.
“Trước lệnh cấm, chúng tôi phải lo lắng không biết nên chi bao nhiêu cho chocolate nghĩa vụ mới phù hợp, và phải tìm cách giữ khoảng cách với những người mình đã tặng. Thế nên thực sự tôi thấy vui vì truyền thống này đang dần bị hủy bỏ,” – một trong số các nữ nhân viên tham gia khảo sát trả lời Japan Today.
Tại Nhật Bản những năm gần đây còn xuất hiện gyaku choco – một trào lưu tặng chocolate “ngược” – tức là đàn ông sẽ tặng chocolate cho người thương của mình trong ngày này. Nếu vậy để thấy đây là một thị trường khổng lồ, khi mọi người đều có nhu cầu trao tặng.
Trên thực tế, truyền thống tặng chocolate trong ngày Valentine bắt đầu nở rộ tại Nhật Bản vào giữa thập niên 1950, và nay tạo ra một thị trường trị giá hàng chục triệu đô. Thậm chí, một số nhà sản xuất có thể kiếm đủ tiền cho cả một năm chỉ trong vài ngày lễ thôi.
Chocolate tại Nhật Bản là một thị trường khổng lồ
Tuy nhiên, thái độ của người dân với “chocolate nghĩa vụ” đang khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến dịch marketing của mình. Như Valentine năm 2018, thương hiệu chocolate từ Bỉ tên Godiva đã chạy nguyên một trang quảng cáo, với nội dung kêu gọi doanh nghiệp khích lệ các nữ nhân viên không cần phải tặng chocolate nghĩa vụ nếu cảm thấy đó là áp lực và cưỡng ép.
“Lễ tình nhân là dịp để mỗi người hé lộ tình cảm thật của mình, chứ không phải cải thiện mối quan hệ công sở,” – trích trong quảng cáo của Godiva.