Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh – là một trong những biện pháp quan trọng giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Để có sức đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh, trước hết người cao tuổi cần tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, để giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút: Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn và sau khi ra khỏi nhà, đặc biệt khi tiếp xúc với người lạ; tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên mặt, mũi, miệng vì sẽ khiến vi rút có cơ hội xâm nhập vào cơ thể; Đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang và không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
Do người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu nên tuyệt đối tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay để bảo vệ sức khoẻ người xung quanh. Ngoài ra, người cao tuổi cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.
Cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để phòng tránh bệnh cho người cao tuổi trong mùa dịch:
Uống đủ nước: cơ thể đủ nước sẽ giúp hệ bài tiết đưa các chất cặn bã ra bên ngoài, giúp cho hệ miễn dịch tiêu diệt những tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Hệ miễn dịch cần đủ nước mới hoạt động tốt nhất. Ngoài nước lọc, có thể uống nước trái cây và uống sữa để bổ sung vitamin và dưỡng chất cần thiết. Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất. Việc uống nước ấm thường xuyên ngay khi chưa khát được khuyến cáo giúp cổ họng không bị khô, góp phần phòng tránh dịch Covid-19.
Bổ sung lượng vitamin và khoáng chất đầy đủ: rau xanh và hoa quả tươi chính là chìa khóa để tăng cường vitamin và chất khoáng cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu.
Cung cấp đủ các chất đạm: Người cao tuổi nên đảm bảo đủ lượng chất đạm hàng ngày, ưu tiên lựa chọn các loại chất đạm dễ tiêu hoá, có đầy đủ các acid amin thiếu yếu. Các loại thức ăn giàu đạm tốt mà người cao tuổi có thể ăn là cá béo, sữa, trứng, thịt trắng…
Đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu: Khi ngủ sâu, các cơ quan trong cơ thể như hệ thống miễn dịch sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục. Cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu; thời gian vàng để ngủ sâu là từ 22h đêm đến 3h sáng hôm sau, lúc đó cơ thể tập trung nguồn lực để phục hồi, tái tạo hiệu quả và tối ưu các mô tế bào bị tổn thương và lão hóa. Mỗi đêm, người cao tuổi cần ngủ 7-8 tiếng. Vì thường dậy sớm nên thời điểm đi ngủ tốt nhất của người cao tuổi khoảng 21h – 22h. Giấc ngủ muộn sẽ không đủ thời gian cho cơ thể hồi phục. Người cao tuổi nên thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn để giấc ngủ ngon hơn. Đặc biệt, trước khi ngủ 1-2h không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.
Tăng cường vận động: Người cao tuổi thường hay bị mệt mỏi nên ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như: đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội… một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập. Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 – 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Thận trọng khi có bệnh mạn tính: Người cao tuổi khi có các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, huyết áp… sẽ dễ có nguy cơ lây nhiễm vi rút hơn. Những căn bệnh này khiến các hệ cơ quan giảm chức năng, hệ miễn dịch suy yếu, không đủ khỏe mạnh để phòng, chống lại các mầm bệnh khác. Do đó, người cao tuổi nên lưu ý điều trị tốt bệnh lý đang có. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào nên báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ quan y tế khám càng sớm càng tốt. Với người có các bệnh mạn tính, việc bổ sung dinh dưỡng tuỳ thuộc vào từng cá thể, từng bệnh lý, nhưng quan trọng là ăn chín, uống sôi, đủ chất theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh: Sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người, đặc biệt người cao tuổi. Nếu e ngại việc du lịch, gặp gỡ bạn bè trong thời điểm này, người cao tuổi có thể nấu ăn, chăm sóc cây cối, tiếp xúc với thiên nhiên giúp tâm hồn thư thái. Hoặc chơi đùa với con cháu hay xem các chương trình giải trí trên tivi, đọc sách cũng là bí quyết giúp tinh thần thoải mái hơn. Người cao tuổi không nên để mình rơi vào cảm giác cô độc, nên thường xuyên trò chuyện với người thân để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ. Con cháu cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của bố mẹ để các cụ lạc quan, yêu đời, từ đó có thể miễn nhiễm với nhiều bệnh.
Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc duy trì điều trị thường quy các bệnh lý đang có, người cao tuổi nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Quan trọng là khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì cần báo ngay với các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp hỗ trợ, điều trị cũng như cách ly kịp thời./.